Vượt qua những thất bại đau đớn Walt_Disney

Ngay sau khi xây dựng xưởng phim Disney Brothers, ông sáng tạo ra bộ phim Oswald the Lucky Rabbit. Vì sự non nớt của mình, ông đã tán thành một hợp đồng sản xuất và trong hợp đồng này ông sẽ sản xuất các bộ phim hoạt hình, nhưng công ty Mintz lại là chủ sở hữu các nhân vật. Bộ phim gây được tiếng vang lớn nhưng các nhà phân phối đã tàn nhẫn gạt người sáng tác ra khỏi cuộc chơi. Disney tuyên bố: "Không bao giờ ta làm việc cho bất kỳ ai nữa". Sau thất bại với công ty phân phối Mintz, Walt Disney chán nản trở về California.

Walt nhận ra rằng xưởng phim mới của mình sắp bị giải tán nếu như ông không phát minh ra nhân vật mới nào. Trở về California, bức phác thảo đầu tiên mà ông đưa ra là một con chuột hấp dẫn, lanh lợi, trông giống như tranh biếm họa. Để thực hiện bộ phim này, Disney phải bán chiếc xe ôtô thể thao yêu quý của mình. Ngày 18 tháng 11 năm 1928, Chuột Mickey được công diễn lần đầu ở Thành phố New York đã thu được thành công lẫy lừng. Bị ám ảnh từ thất bại trước, ông cố gắng phân phối phim hoạt hình của ông tới từng nhà hát. Lại một bài học mới xuất hiện, Chuột Mickey đang làm của cải trở lại nhưng số tiền quay trở lại với Disney rất ít ỏi. Cuối cùng, năm 1930, sau 7 năm ở Hollywood, Disney đã đầu hàng và bán xưởng phim, ký một thỏa thuận với hãng chiếu bóng Columbia, đồng ý phân phối phim với giá 7.000 USD một bộ phim, tiền chia đều cho hai bên nhưng Disney vẫn giữ bản quyền. Hãng phim Columbia đã phân phối phim hoạt hình của Disney đi khắp thế giới. Vào năm 1930, Chuột Mickey đã trở thành một nhân vật được toàn cầu quan tâm. Chẳng bao lâu, Disney đã nhận ra tiềm năng giá trị thương mại của Mickey. Năm 1930, ông xuất bản cuốn sách Chuột Mickey và trong năm đầu tiên đã bán ra 97.939 bản. Năm 1932, ông đã thuê một thương gia New York có tên là Kay Kamen để khai thác khía cạnh thương mại của Chuột Mickey.

Việc đầu tiên mà Kamen làm là cấp giấy phép cho Công ty chế biến sản phẩm sữa quốc gia để làm kem Mickey. Công ty này đã bán được 10 triệu chiếc kem trong tháng đầu. Đến cuối năm 1932, nhiều công ty cùng giúp bán biểu tượng Chuột Mickey và Disney đã nhận được khoảng 5% giá bán buôn những mặt hàng đã được cấp giấy phép. Trong vòng một năm đầu làm việc với công ty, Kamme đã mang lại cho công ty 300.000 USD, gần 1/3 lợi nhuận của công ty. Sản phẩm lâu bền nhất là đồng hồ Chuột Mickey. Công ty Ingersoll Waterbury đã giới thiệu mặt hàng này và bán được 25 triệu đồng hồ trong hai năm đầu. Sau đó không thấy ai nhắc đến những thất bại tiếp theo của Disney nữa. Ông trưởng thành, đủ kinh nghiệm lường trước những thất bại tiềm ẩn. Và cũng không phải thương trường ít chông gai hơn mà có lẽ mọi chông gai trở thành quá bé nhỏ đối với chàng khổng lồ Walt Disney.